Showing posts with label mon-ngon-mien-trung. Show all posts

Cách làm chả da Huế- Hướng dẫn nấu chả da Huế ngon

Trong văn hóa ẩm thực Huế, chả da là đặc sản thân quen trong bữa ăn hàng ngày. Với người Huế, chả da không chỉ là món ngon, hấp dẫn mà người ta còn dùng nó làm phụ gia, chế biến các thức ăn khác như gỏi, phở, bún, cháo… tạo nên nhiều hương vị riêng và lạ.

Chả da còn làm phụ gia để chế biến trong nhiều món ăn khác.

Đầu tiên, khi mua chả ngoài chợ về, các bà nội trợ thường rửa sơ qua nước sôi cho sạch trước khi chế biến món ưa thích. Sau đó, bóc hết các lớp lá, chả da có màu hồng tươi gần giống nem, cắn vào thấy giòn giòn, ngòn ngọt thấm ngay từ đầu lưỡi. Chả da dễ làm nên khi nhà có giỗ kỵ, phụ nữ Huế thường tự tay làm chả.
Mùi thơm của thịt quyện với hạt tiêu khi nướng hay chiên trên bếp hương thơm nức mũi. Trong những món chế biến từ chả da, cầu kỳ nhất là món gỏi, món khai vị đầu tiên trên bàn tiệc. Để chế biến món gỏi này có chả da, thịt ba chỉ, mực nướng (xé nhỏ) dưa leo, đu đủ (thái sợi), rau răm, rau húng, đậu phộng, chanh, ớt, đường, nước mắm; tất cả trộn đều. Nộm ăn ngon miệng hơn với bánh tráng, bánh phồng tôm kèm theo. Bình thường chả da ăn kèm với một số loại rau thơm, rau răm, chấm muối tiêu, chanh, tỏi, hoặc xắt lát mỏng bỏ lên mặt các tô bún chả, bún cá, phở gà….

Hướng dẫn cách làm chả da

1) Chuẩn bị nguyên liệu:

Thành phần chính gồm có 500g thịt heo, 500g da heo hoặc lỗ tai heo, trộn vào 1 muỗng súp tiêu xay mịn.
3 muỗng cà phê muối bột.
1 muỗng cà phê bột ngọt.

2) Cách làm:

Đem thịt heo xay hai lần hoặc bằm cho thật mịn rồi cho vào tủ lạnh.
Lấy da heo hoặc lỗ tai heo để tươi sống xắt thành sợi mỏng. Xắt xong, lấy thịt heo ra và cho da heo, hoặc lỗ tai heo cùng với tiêu, muối, bột ngọt vào trộn thật đều.
Dùng cối, chày quết tay, đến khi thấy thịt và da, lỗ tai heo dính vào nhau thành một khối mịn là được. Sau đó, đem gói bằng nhiều lớp lá chuối, khoảng năm lớp là đủ.
Kế tiếp, nấu nước cho sôi trào mới bỏ đòn chả vào, đậy nắp kín, giữ lửa vừa để chả chín đều mà nước trong nồi không bị vơi. Khoảng 20 phút sau, dùng đũa đảo đòn chả rồi luộc thêm 15 phút nữa là chả đã chín.
Vớt chả bỏ vào thau nước đá ngâm khoảng 10 phút, cất vào tủ lạnh.
Bạn có thể ăn kèm chả da với rau sống.
Chúc các bạn ngon miệng !


Cơm chay - Một nét văn hóa của Huế

Nếu bạn có dịp đến Huế vào đúng ngày rằm thì bạn sẽ thấy khắp đường phố và trong các khu chợ tràn ngập món chay. Bạn có thể rẽ vào một nhà hàng chay ven đường để thưởng thức cái thanh tịnh yên bình của đất cố đô vương vấn từ không gian cho tới mùi vị.
Hếu vốn nổi tiếng với những ngôi chùa thâm trầm cổ kính, những tà áo dài thướt tha. Chẳng nơi nào ở Việt Nam mà việc ăn chay lại trở thành một nét văn hóa thú vị như ở Huế. Và có lẽ cũng chẳng nơi đâu ẩm thực chay lại phong phú như ở nơi đây.


Cứ mỗi mùng 1, ngày rằm, hàng loạt hàng quán ven các con đường nhỏ xứ Huế đều bán món chay. Nào là bún chay, cháo chay, bánh canh chay... thơm lành và rực rỡ.

Chỉ với một bán bún chay ở chợ Bến Tre. Bát bún 15 nghìn bây giờ hồi ấy chỉ có giá 5 nghìn đồng, có đậu khuôn, măng khô, cà chua, đậu bắp, nấm rơm, nấm mèo, cà rốt... Chừng ấy thứ rau củ hợp tấu trong tô bún nhỏ xinh. Dù trộn nhiều thứ như vậy nhưng chẳng vị nào lấn át nhau. Cà chua vẫn chua dìu dịu, cà rốt vẫn ngọt thanh tao, nấm rơm, nấm mèo phảng phất vị núi rừng. Ngoài ra con có vị ngọt của trái lê đập dập

Các nhà hàng, quán cơm chay bình dân ở Huế thì mở cửa quanh năm.Nếu có dịp vào Huế bạn có thể đến nhà hàng chay Tịnh Tâm I và II ở đường Hùng Vương và Phạm Ngũ Lão, nơi có món cháo chay nấu bằng thứ gạo gì đó mà tôi không rõ.


Chỉ biết hạt gạo nở bung như đóa hoa đẹp tuyệt, và hương vị thì thơm ngon đến nỗi tôi tưởng như mình chưa từng được nếm qua thứ gì êm dịu hơn như thế. Tiếc là giờ Tịnh Tâm đã đóng cửa, du khách và dân Huế thường tìm đến Liên Hoa quán ở đường Lê Quý Đôn và Bồ Đề ở đường Bà Triệu.

Bình dân hơn thì có các quán chay dọc bờ bắc sông Hương và vòng quanh đại nội. Các món chay giản dị, ngon mắt xếp gọn ghẽ trong khay nhôm, bún, cháo chay cũng sẵn sàng khi khách gọi. Chỉ khoảng 30 nghìn một suất và 12-15 nghìn một đĩa cơm chay.

Bún, cháo thì 15 nghìn một tô. Khách của quán là những người đàn ông quần soọc, áo may ô thong thả đi bộ từ nhà ra, những người đạp xích lô còn vắt khăn trên vai, bà mẹ trẻ vừa chở con về từ trường học. Họ vào quán chay chẳng phải vì ngày rằm, ngày lễ, mà cứ thản nhiên, quen thuộc như ngày nào cũng vậy.

Nguồn: Sưu tầm internet




Giới thiệu các món lẩu Việt ngon

Tùy vào mỗi vùng miền, mỗi văn hóa, tính cách con người mà văn hóa ẩm thực có sự đa dạng đặc trưng riêng. Do nước ta có khí hậu nhiệt đới, rau của quả và các loại thức ăn đa dạng nên ẩm thực cũng rất đa dạng. Sự đa dạng về ẩm thực, tính cách con người Việt nam được thể hiện một phần qua món lẩu. Lẩu là món ăn phổ biến của người Việt nam từ Bắc tới Nam. 

Mặc dù lẩu không phải là món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bún, hay cốm, bánh trưng hoặc bánh tẻ... nhưng  nguyên liệu, cách chế biến cách thưởng thức món ăn này đều được biến rất đa dạng và sáng tạo để phù hợp với đặc tính khí hậu, văn hóa đất nước và con người Việt Nam qua từng vùng miền
Lẩu bò

Ta đã biết Việt Nam là một nước nông nghiệp , với khí hậu nhiệt đới. Chúng ta có rất nhiều loại rau nhiệt đới cũng như đa dạng các loại thịt bổ dưỡng mà lại ngon. Hơn nữa, các món lẩu còn có sự kết hợp của nhiều loại rau ghém, rau sống ăn kèm. Chính do sự đa dạng của các loại rau đã mang đến hương vị ngon ngọt và mát khi ăn kèm với các thực phẩm khác. Ngoài rau, lẩu còn hấp dẫn bởi vị ngọt thơm của các loại thịt, cá, tôm, ốc và phần ăn kèm theo như miến, mì trứng, bún gạo, mì tôm…
Lẩu cá
Trước khi món lẩu du nhập vào nước ta, người Việt cũng đã có thói quen thưởng thức món ăn nóng từ mì,  miến,... ăn kèm rau và nước dùng ngọt như món: phở, bún hay món hẩu lốn... Có lẽ vì thế mà nhiều nguồn tài liệu cho rằng, lẩu là món ăn có nguồn gốc và là sự sáng tạo về cách chế biến, cách thưởng từ món hẩu lốn (hay một loại mì nước nào đó).
Tuy nhiên, với nhiều loại gia vị, rau, nấm, măng, khoai môn, thịt, thủy hải sản và các dạng nước dùng chuyên biệt, lẩu được người Việt ta ưa chuộng và ngày càng phát triển đa dạng hơn rất nhiều. Qua thời gian, vẫn là kiểu chế biến và phong thái thưởng thức như ban đầu, nhưng lẩu đã từng bước đa dạng hơn về hương vị cũng như nguyên liệu để chế biến cho từng món.
Lẩu hải sản

Kinh tế phát triển cũng kéo theo sự thay đổi khẩu vị của mỗi người, các món lẩu vì thế cũng được cải biến hơn cho phù hợp. Khi mới ra đời, phổ biến nhất là các món lẩu thủy hải sản, đặc biệt là lẩu cá, lẩu cua, tôm, mực,... Ngày nay, có rất nhiều món lẩu mới là sự kết hợp từ những nguyên liệu thịt “sang” hơn như lẩu bò, lẩu mắm, lẩu hoa xuân... 
Lẩu vịt om sấu

Lại nói đến cung cách thưởng thức, vào mỗi dịp gia đình, bạn bè đoàn tụ, có lẽ người ta sẽ nghĩ đến món lẩu trước tiên. Món lẩu rất được ưa thích vào mùa đông bởi nó đem lại không khí vừa ấm bụng vừa phù hợp để ngồi quây quần đông người. Cả gia đình, người thân, bạn bè bên nồi lẩu đang nóng hổi, nghi ngút khói, cùng nhau thưởng thức những miếng thịt, món rau vừa chín tới, hay bát nước dùng đủ các vị ngon ngọt, đậm đà, chua cay... Không khí ấy, cách thưởng thức ấy dường như đã khiến món lẩu thêm hấp dẫn với người Việt Nam hay cũng là để dân ta giới thiệu với các bạn nước ngoài về nét đẹp, sự phong phú trong văn hóa ẩm thực Việt.
Lẩu cua
Ẩm thực Việt Nam còn coi trọng yếu tố bổ dưỡng, vì vậy việc chế biến các món ăn từ nguyên liệu tươi sống cũng là một yếu tố khiến món lẩu vừa ngon lại vừa bổ. Những kết hợp từ thịt gà ngải cứu (giúp giải nhiệt cơ thể), lẩu nấm (tăng cường miễn dịch, giải độc)... là một minh chứng rất chính xác và cụ thể về việc chế biến món ăn như những bài thuốc có lợi cho sức khỏe.
Lẩu mắm nam bộ

Tuy cùng mang những đặc trưng chung của ẩm thực Việt nhưng mỗi miền trên đất nước ta lại mang có những loại lẩu mang hương vị đặc trưng của vùng miền đó. Người Bắc thường chuộng các loại lẩu vịt, lẩu nấm...miền Nam lại nổi bật với lẩu cá kèo, lẩu mắm; miền Trung phổ biến nhất với các loại lẩu hải sản.
Lẩu cá kèo

Việt Nam có rất nhiều món ăn truyền thống thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa  ẩm thực cũng như vẻ đẹp tâm hồn người Việt.
 Chúc các bạn ngon miệng !
Xem thêm tại: món ngon miền bắc | món ngon miền nam | món ngon miền trung

Những đặc sản nổi tiếng tại Huế

Có những món ăn đơn giản đến mức không thể nào đơn giản hơn được nữa, ấy vậy mà nó trở thành đặc sản của một địa phương. Dù đi đâu, xa quê bao lâu người ta vẫn nhớ đến.
Cơm hến 


Cơm hến là món ăn dân dã, nghèo mà vẫn sang, đậm đà hương vị. Cơm cồn hến người ta còn cho nó cái tên sang trọng: "Cao lâu cồn" để tôn vinh cái giản dị, mộc mạc, thanh đạm mang đầy chất Huế. 
Cơm hến là món ăn cay, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi. Cơm của cơm hến là cơm nguội, mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ, vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương... Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi, kêu cái "bụp!" rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon cơm hến. Thế nên, có người còn gọi là "món ngon trời hành". 
Các thôn nữ đội nón lá mỗi sáng gánh cơm hến đi khắp các ngả đường cất tiếng rao lanh lảnh ngọt ngào "hến khô... ông" là hình ảnh và âm điệu không thể nào quên của những người xa Huế.
Vả Huế 
Vả là món ăn dân dã của Huế và vả cũng trở thành món ăn thượng lưu của du khách khi đến Huế. Vả đã để lại trong lòng người xa quê nỗi nhớ quê nhà.
Thiên nhiên dành cho Huế một loài cây thuộc họ sung nhưng trái lớn, đó là cây vả. Vả cho trái ăn vừa ngọt vừa bùi. Vả tạo thêm hương vị đậm đà ngon miệng cho các món ăn từ xào, nấu, kho cho đến ăn sống. 

Món rau sống kèm với những món ăn như bún thịt nướng, bún thịt kẹp tôm chua, bánh khoái, thịt bò nhúng dấm... thì vùng miền nào cũng như nhau, nhưng ở đây kẹp với miếng vả trắng hồng chấm với mắm nêm trộn với ớt xanh vừa giòn vừa cay đến độ hít hà thì không gì ngon bằng.
Đặc biệt là món vả trộn. Để có món vả trộn xúc ăn với bánh tráng, luộc vả trong nước sôi cho đến lúc nào có thể dùng tay chà bóc lớp vỏ xanh, xong cho vào nồi luộc tiếp cho thật nhừ, bóp tơi quả vả cho thật nhuyển. Mè đem rang vàng chà vỏ, thịt nạc và da heo luộc chín xắt hạt lựu, ướp gia vị nước mắm, hành tiêu, bột ngọt, muối, ớt bột... Các thứ trên trộn đều thành hỗn hợp, thái nhỏ rau thơm, hành, ngò rải trên mặt. Vả trộn ăn với bánh tráng (bánh đa) nướng.
Chưa dừng ở món vả trộn, vả còn cho vào kho chung với thịt heo, thịt bò nhưng hấp dẫn hơn cả là vả kho với cá rô, cá nục, cá ngừ...
Bún bò giò heo 



Một tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.
Bún thì không đâu không có, nhưng hình thức của con bún thì mỗi miền mỗi khác. Ở Hà Nội, xưa và nay cũng la liệt bún "bún riêu, bún chả, bún ốc, bún thang…" mà có lẽ đặc biệt nhất là bún chả, sợi bún rất mảnh lại cuộn từng lá mỏng, còn chả thì là thịt ba chỉ cặp vào thanh tre rồi đem nướng trên than hoa, chẳng khác gì bún thịt nướng ở Huế nhưng ngon hơn nhờ nước chấm và rau húng. Ở Huế cũng thế, có bún giò heo.
Dọc hai bên đường bạn sẽ gặp ngay ở đây những gánh bún rất bình dân nhưng cũng rất ngon, rất đông khách… Một tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Đặc biệt là nồi bún, một nồi bằng nhôm dẻo rất mỏng và được người thợ gò xứ Huế gò rất khéo, trông giống một chiếc nồi đồng ngày xưa nhưng sâu và miệng rộng hơn. Cái nồi được chùi rửa kỳ cọ rất kỹ nên bao giờ cũng sáng trắng, trông rất thích mắt. Ăn một tô bún đang bốc khói, những sợi bún trắng trong nổi bật trên đó là những viên mọc hồng (được viên từ giò sống và thịt cua), những miếng móng giò được ninh mềm nhừ, với một chút màu trắng của những cọng rá và màu xanh của rau sống, húp một ít nước beo béo đậm đà kèm theo một chút gia vị mắm ớt chanh bạn sẽ thấy vô cùng thú vị, vừa cay, vừa nóng, vừa xuýt xoa, vừa nghe vị ngọt của nước bún của thịt chạy dần vào trong thực quản, chắc chắn bạn sẽ không quên được cái hương vị này. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.
Bánh bèo xứ Huế 



Không biết có từ bao giờ, nhưng bánh bèo đã là một đặc sản, một món ăn không thể thiếu của người dân xứ Huế. Bánh bèo có mặt từ mâm cơm dân dã ở mỗi gia đình cho đến các bữa tiệc, ngày lễ, ngày Tết và các dịp đãi khách trọng thể. 
Có dịp đến Huế, mới thấy bánh bèo gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân cố đô như thế nào. Khoảng từ 3 đến 5 giờ chiều, đâu đó trên các ngõ phố những phụ nữ gọn gàng trong bộ áo dài thong thả bách bộ với quanh gánh nhẹ trên vai hoặc chiếc thúng nhỏ cắp ngang hông, đi bán bánh bèo, bánh lọc đến từng nhà. Người Huế rất thích và đã thành thói quen dùng loại bánh đầy hương vị quê nhà này vào các bữa ăn phụ, chỉ cần 1.000 đồng là đã có một đĩa bánh bèo lót dạ thơm ngon. Bánh bèo cũng không thiếu trong các bữa "cơm vua" phục vụ khách du lịch và trong các bữa tiệc "cơm cung đình" chiêu đãi các khách quý. 
Từ khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO xếp loại là di sản thế giới, khách du lịch trong và ngoài nước đến Huế ngày càng đông. Vì vậy, song song với kiểu kinh doanh "cơm vua" trong các khách sạn, nhà hàng... ở Huế bây giờ còn mọc lên nhiều "phố bánh bèo" quanh cung An Định, đường Ngự Bình, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm... Những "phố bánh bèo" này, thực khách không chỉ là dân Huế mà phần đông là khách từ phương xa đến. Quả thật, ai có dịp đến Huế cũng đều muốn thưởng thức món bánh bèo - một món đặc sản của đất cố đô.
Bánh khoái 



Bánh khoái đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò (hoặc chim) nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Khuôn bánh khoái làm bằng gang hình tròn, to bằng hai bàn tay trẻ con có cán cầm. Khi nào có khách ăn, nhà hàng mới bắc khuôn lên lò đổ bánh. Múc một muôi bột trứng đổ vào khuôn nóng đã tráng mỡ. Tiếng bột bén mỡ xèo xèo bốc lên quyến rũ, bột chín vàng rơm thì gắp một miếng thịt bò nướng, lát mỡ nhỏ, một vài con tôm, ít giá bỏ vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt lật bánh cho vàng đều hai bên, xong bày ra đĩa.
Bánh ngon một phần nhờ nước lèo, thứ nước chấm chỉ các đầu bếp giỏi mới chế được. Ðây là bí quyết gia truyền, quyết định chất lượng, tạo nên hương vị thượng hạng của bánh khoái. Nước lèo Huế được chế biến rất cầu kỳ với hàng chục nguyên liệu như bột báng, gan lợn, mè (vừng), lạc rang... Quán bánh khoái Thượng Tứ tồn tại gần ba bốn chục năm nay, đã trở thành văn hoá ẩm thực Huế, làm say lòng du khách, thân thuộc với người Cố Ðô chẳng khác gì cơm hến, tiếng chuông chùa Thiên Mụ, con đò sông Hương. Vâng, đó chính là một phần văn hóa Huế.
Xem thêm tại: món ngon miền bắc | món ngon miền nam | món ngon miền trung